Đảm bảo giá tốt nhất, chất lượng chuẩn nhất

Bãi đậu xe

Đưa đón sân bay

Cho thuê xe máy

Dịch vụ Tour Vé

Điện nước 24/7

Phòng tập riêng

Hồ bơi miễn phí

Workspace
Hoặc gọi ngay hotline:
0975.155.543
Di tích Mỹ Sơn gần Hội An – trở về vương quốc Chăm Pa huyền bí
Ẩn mình giữa thung lũng xanh thẳm của huyện Duy Xuyên, cách phố cổ Hội An khoảng 45km, di tích Mỹ Sơn gần Hội An như một minh chứng sống động cho thời kỳ vàng son của vương quốc Chăm Pa. Không quá rực rỡ như cố đô Huế, không sầm uất như Hội An, Mỹ Sơn khiến người ta mê mẩn bởi vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng và huyền bí – một thế giới Chăm Pa xưa kia vẫn còn hiện hữu giữa lòng Quảng Nam. Nên trong bài viết hôm nay hãy cùng Nami Stay khám phá thánh địa này nhé.
Mục lục
ToggleQuần thể đền tháp Mỹ Sơn ở đâu?
Khu đền tháp Chăm cổ tọa lạc tại xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây chỉ cách phố cổ Hội An khoảng 45km và thành phố Đà Nẵng khoảng 70km. Nhờ vị trí khá thuận lợi nên du khách có thể dễ dàng lựa chọn cho mình nhiều hình thức di chuyển khác nhau từ Hội An để đến với quần thể linh thiêng này.
Nếu bạn là một người yêu thích sự tự do và trải nghiệm, chiêm ngưỡng những cung đường đẹp qua những vùng quê yên bình. Thì xe máy chính là lựa chọn phổ biến và đặc biệt được ưa chuộng bởi các bạn trẻ thích phiêu lưu. Ô tô hoặc taxi lại là phương án tiện lợi, tiết kiệm thời gian nếu đi theo nhóm 3–4 người.

Ngoài ra, nhiều công ty du lịch tại Hội An còn cung cấp tour Mỹ Sơn trong ngày đi kèm theo xe đưa đón, hướng dẫn viên và thậm chí cả bữa trưa. Nên đây sẽ là một lựa chọn rất thích hợp cho những ai muốn khám phá di tích một cách bài bản, trọn gói và sâu sắc hơn.
Với thời gian di chuyển chỉ từ khoảng 1 giờ 15 phút, bạn hoàn toàn có thể lên kế hoạch tham quan thánh địa vào buổi sáng, rồi trở về Hội An để tận hưởng không khí phố cổ thơ mộng vào buổi chiều. Đây quả là một lịch trình lý tưởng cho chuyến khám phá văn hóa miền Trung.
Mỹ Sơn – Huyền tích của một vương quốc đã mất
Quần thể đền tháp này từng là một trong những trung tâm tôn giáo và chính trị quan trọng bậc nhất của vương quốc Chăm Pa cổ đại. Nơi đây đã tồn tại và phát triển rực rỡ suốt gần một thiên niên kỷ. Theo sử liệu và kết quả khai quật khảo cổ, những đền tháp đầu tiên tại đây được dựng lên từ thế kỷ IV dưới thời vua Bhadravarman. Người đã chọn thung lũng này để dựng đền thờ thần Siva – một vị thần tối cao trong Hindu giáo. Và cũng đồng thời là vị thần bảo hộ cho vương triều và vương quyền của người Chăm.
Trải qua hàng chục đời vua, khu đền tháp đã không ngừng được mở rộng, tu bổ và xây dựng thêm, kéo dài đến thế kỷ XIII. Nhờ vậy mà nó đã trở thành trung tâm tín ngưỡng, lễ nghi và tang lễ của tầng lớp hoàng gia và tăng lữ. Không phải ngẫu nhiên mà các vua Chăm lại lựa chọn Mỹ Sơn làm nơi thiêng liêng nhất để gắn liền vận mệnh quốc gia. Toàn bộ quần thể tọa lạc trong một thung lũng lòng chảo dài khoảng 2km, được bao bọc bởi dãy núi xanh thẳm hình cánh cung.
Thiên nhiên nơi đây gần như bao trọn lấy khu đền tháp, tạo nên một không gian khép kín, biệt lập với thế giới bên ngoài, vừa lý tưởng cho các hoạt động tâm linh. Vừa đảm bảo yếu tố phong thủy theo quan niệm phương Đông và Ấn Độ giáo cổ. Sự giao hòa giữa thiên nhiên và công trình kiến trúc khiến thành tích luôn mang đến cảm giác huyền bí, linh thiêng. Làm cho mọi người cảm thấy đây là một miền đất không chỉ dành để tham quan, mà còn để cảm nhận và chiêm nghiệm.

Dù thời gian, chiến tranh và khí hậu khắc nghiệt đã tàn phá không ít các công trình trong khu di tích, Nhưng những gì còn lại vẫn đủ để hé lộ cho ta biết về một nền văn minh rực rỡ, đầy bản sắc. Những ngọn tháp nhuốm màu thời gian, những bức phù điêu đá sa thạch điêu khắc sống động. Tất cả đều là những minh chứng cho đỉnh cao nghệ thuật kiến trúc và tôn giáo của người Chăm.
Bên cạnh đó với giá trị đặc biệt về mặt lịch sử, kiến trúc và văn hóa, năm 1999, quần thể Di tích Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Thánh địa là một trong số ít những công trình tôn giáo của văn minh Chăm Pa còn tồn tại tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đây không chỉ là niềm tự hào của Quảng Nam mà còn là báu vật của di sản nhân loại, nơi lưu giữ những dấu tích sống động nhất về một vương quốc đã từng phát triển hưng thịnh bên bờ sông Thu Bồn.
Thông tin liên hệ:
- Địa chỉ: Thánh địa Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
- Cách Hội An: khoảng 45km, đi xe máy hoặc ô tô tầm 1 tiếng.
- Giá vé: 150.000 VNĐ/người lớn (đã bao gồm vé xem biểu diễn nghệ thuật).
- Giờ mở cửa: 6h30 – 17h30 hằng ngày.
Kiến trúc đền tháp – Kỳ quan của bàn tay và tâm linh
Điểm ấn tượng nhất khi đến kinh đô xưa của vương quốc Chăm Pa chính là kiến trúc đền tháp độc đáo mang đậm dấu ấn Hindu giáo. Kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật xây dựng khéo léo và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo. Những ngọn tháp vươn mình giữa rừng núi, với từng viên gạch đỏ au xếp chồng khít lên nhau mà không dùng vữa, tạo nên một kỳ tích kỹ thuật khiến cả thế giới sửng sốt. Mỗi họa tiết chạm khắc – từ hình tượng thần linh, vũ nữ Apsara đến các linh vật huyền thoại – đều sống động như đang kể lại câu chuyện thần thoại ngàn năm giữa lòng đất Việt.
Phân nhóm đền tháp
Toàn bộ khu thánh địa từng có khoảng 70 công trình kiến trúc lớn nhỏ, chủ yếu là đền, tháp và các công trình phụ trợ được xây dựng trải dài trong suốt hơn 9 thế kỷ. Các công trình này được chia thành nhiều nhóm khác nhau, đánh dấu bằng các ký hiệu chữ cái như: A, B, C, D, E, F, G, H, K…, dựa trên vị trí địa lý và niên đại xây dựng.
Trong đó, cụm B-C-D là trung tâm cổ nhất và mang giá trị kiến trúc nghệ thuật cao nhất. Hai cụm này được xây dựng từ thế kỷ VII đến thế kỷ X, đại diện cho thời kỳ cực thịnh của văn hóa Chăm Pa. Nơi đây từng là trung tâm hành lễ tôn giáo quan trọng, nơi các vua Chăm tổ chức các nghi lễ hiến tế, đăng quang và tế thần.
Hệ thống đền tháp tại thánh địa cổ thường bao gồm ba thành phần kiến trúc chính:
- Tháp chính (Kalan): là nơi thờ thần Siva. Thần Siva là hiện thân của sự sáng tạo và hủy diệt, vị thần tối cao trong đạo Hindu. Kalan thường có hình chữ nhật hoặc hình vuông, mái nhọn vươn cao tượng trưng cho núi Meru – ngọn núi thiêng liêng trong Ấn Độ giáo, nơi ngự trị của các vị thần.
- Tháp phụ (Mandapa hoặc Kosagrha): có thể là nơi thờ các vị thần phụ, lưu giữ kinh sách, hoặc được dùng làm nơi chuẩn bị cho các nghi lễ tẩy rửa trước khi tiến vào tháp chính. Một số tháp phụ có vai trò như hành lang nối, kiến tạo nên bố cục không gian linh thiêng khép kín.
- Tháp cổng (Gopura): thường nằm ở vị trí đầu vào của cụm đền tháp, có chức năng như một cổng dẫn linh hồn vào cõi thần linh, biểu trưng cho ranh giới giữa thế giới phàm tục và không gian thiêng. Kiến trúc Gopura thường đơn giản hơn nhưng vẫn mang những hoa văn trang trí thần thoại.
Điểm đặc biệt là mỗi cụm tháp không chỉ tuân theo bố cục kiến trúc riêng biệt mà còn mang đậm dấu ấn tôn giáo và thời đại. Điều này đã thể hiện được sự phát triển qua từng triều đại Chăm Pa khác nhau. Dù nhiều công trình đã bị hư hại do thời gian và chiến tranh, nhưng những gì còn sót lại vẫn đủ để hình dung về một quần thể đền tháp uy nghiêm, linh thiêng và giàu tính biểu tượng giữa lòng đất Quảng.

Kỹ thuật xây gạch không vữa
Một trong những điều khiến di tích trở nên đặc biệt và vẫn còn là đề tài gây tranh cãi trong giới nghiên cứu chính là kỹ thuật xây dựng gạch không dùng vữa. Nó đã được xem là một bí ẩn kiến trúc chưa có lời giải rõ ràng cho đến hiện tại. Các đền tháp ở Mỹ Sơn được xây bằng những viên gạch nung đỏ có kích thước đồng đều, xếp khít nhau đến mức gần như không thể luồn lưỡi dao vào giữa các khe hở.
Điều đáng kinh ngạc là không hề có dấu hiệu của các chất kết dính như vôi, hồ hay xi măng giữa các viên gạch. Nhưng các công trình vẫn kiên cường đứng vững suốt hàng nghìn năm, vượt qua cả bom đạn chiến tranh và khí hậu khắc nghiệt của miền Trung. Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau để lý giải điều này. Có người cho rằng người Chăm đã sử dụng một loại “keo” hữu cơ đặc biệt chiết xuất từ thực vật, có khả năng kết dính cao và bền theo thời gian.
Một số giả thiết khác lại nhấn mạnh đến kỹ thuật nung gạch độc đáo, với nhiệt độ và tỷ lệ nguyên liệu cực chuẩn, giúp các viên gạch khi kết hợp với nhau tạo thành một khối thống nhất chắc chắn như đá nguyên khối. Một hướng nghiên cứu khác cho rằng người Chăm xây dựng các đền tháp bằng cách sắp xếp các viên gạch trước, rồi mới chạm khắc hoa văn sau khi công trình đã hoàn thiện. Đây là điều này hoàn toàn ngược lại với cách xây dựng truyền thống ngày nay và đòi hỏi trình độ kỹ thuật cực kỳ cao.
Dù đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng, nhưng kỹ thuật xây gạch không vữa của người Chăm Pa tại Mỹ Sơn vẫn được xem là một kỳ tích kiến trúc của nhân loại. Đã góp phần tạo nên vẻ đẹp bí ẩn và trường tồn cho quần thể đền tháp độc nhất vô nhị này. Đây cũng là một trong những lý do khiến vùng đất thiêng của người Chăm được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới và trở thành điểm đến thu hút giới khảo cổ, kiến trúc sư và du khách yêu thích khám phá.
Nghệ thuật chạm khắc huyền thoại
Trên các thân tháp của thánh địa, nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa hiện lên như một bản trường ca bất tận được tạc bằng đá và gạch. Những bức phù điêu sống động khắc họa hàng trăm hình tượng thần Shiva trong vũ điệu Tandava mãnh liệt, các vũ nữ Apsara uyển chuyển như lướt trên mây. Hay những hình ảnh của các linh vật thiêng liêng trong Hindu giáo như voi Ganesha, sư tử, rắn Naga, chim thần Garuda. Tất cả đều được thể hiện với đường nét mềm mại, tinh tế và đầy cảm xúc.
Điều đặc biệt là hầu hết các họa tiết này đều được chạm khắc trực tiếp trên đá sa thạch hoặc ngay trên thân gạch nung, với độ chính xác cao đến mức khó tin. Dù là không cần bản vẽ chi tiết, không dùng công cụ hiện đại, nhưng vẫn đạt đến trình độ nghệ thuật vượt thời đại. Người Chăm không chỉ thể hiện được sự thành thạo trong kỹ thuật điêu khắc. Mà họ còn truyền tải được chiều sâu tâm linh và triết lý sống qua từng chi tiết trang trí, từng biểu tượng tôn giáo.
Những mảng chạm khắc ở đây không đơn thuần chỉ dùng để trang trí. Mà còn đóng vai trò như ngôn ngữ của thần linh, thể hiện thế giới quan của người Chăm: từ vòng sinh – diệt, tái sinh, đến mối liên hệ giữa con người và vũ trụ. Có thể nói, mỗi tháp đền tại khu quần thể không chỉ là một công trình kiến trúc, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo hoàn chỉnh, nơi hội tụ của đức tin, mỹ học và trí tuệ vượt bậc của một nền văn minh từng phát triển rực rỡ bên bờ sông Thu Bồn.
Trải nghiệm du lịch Mỹ Sơn – Hơn cả một chuyến tham quan
Khi đến với thánh địa bạn sẽ không chỉ dừng lại ở viêc nhìn ngắm những khối gạch cổ. Mà đến đây bạn còn là cảm nhận không gian linh thiêng. Một nơi đã từng chứng kiến bao nghi lễ long trọng, nơi các vị vua Chăm Pa đặt trọn niềm tin tâm linh. Đi bộ giữa rừng, len lỏi qua các tòa tháp đổ nát, bạn sẽ thấy như đang bước ngược dòng thời gian.
Một trong những trải nghiệm độc đáo tại Mỹ Sơn đó chính là xem biểu diễn nghệ thuật Chăm Pa truyền thống ngay trong khuôn viên di tích. Những vũ điệu Apsara nhẹ nhàng uyển chuyển, những âm thanh từ trống Ginăng, kèn Saranai vang vọng giữa núi rừng khiến không khí trở nên mê hoặc.

Các buổi biểu diễn thường diễn ra vào:
- 9:15 – 10:00 sáng
- 10:45 – 11:30 sáng
- 14:00 – 14:45 chiều
Chính vì vậy hãy chú ý và sắp xếp thời gian, lịch trình của mình hợp lý để có thể chiêm ngưỡng những vũ điệu dân gian truyền thống này nhé. Hơn thế nữa, giữa nền trời trong xanh và rừng cây hoang dại. Những bức tường gạch đỏ loang lổ rêu phong hiện lên như một thước phim cổ tuyệt đẹp. Du khách mê chụp ảnh chắc chắn sẽ thu hoạch được hàng tá tấm hình nghệ thuật tại đây.
Du lịch vùng đất thiêng của người Chăm nên đi vào thời gian nào?
Để có một chuyến khám phá trọn vẹn và nhiều trải nghiệm đẹp tại di tích, việc lựa chọn thời gian phù hợp là yếu tố vô cùng quan trọng. Thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm nơi đây là từ tháng 2 đến tháng 8 hằng năm. Lúc này thời tiết khô ráo, nắng đẹp, ít mưa, rất thuận lợi cho việc đi lại, tham quan và chụp ảnh ngoài trời.
Trong đó, buổi sáng sớm hoặc chiều muộn được xem là khoảng thời gian lý tưởng nhất trong ngày. Bởi khoảng thời gian này sẽ vừa giúp bạn tránh được nắng gắt miền Trung, vừa ít đông đúc, mà còn mang lại cảm giác thanh tĩnh phù hợp với không gian linh thiêng của khu thánh địa.
Bên cạnh đó, khu di tích là một nơi cổ kính tôn nghiêm nên có có một vài lưu ý nhỏ để giúp cho chuyến tham quan của bạn diễn ra suôn sẻ. Và đúng với tinh thần tôn trọng di sản, du khách cũng nên lưu ý một vài điểm sau:
- Trang phục: Bạn nên chọn cho mình những bộ quần áo lịch sự, thoải mái, phù hợp với việc di chuyển nhiều và có tính chất tâm linh. Đặc biệt, mũ/nón và giày thể thao là những vật dụng mà bạn không thể thiếu.
- Chuẩn bị cá nhân: Hãy nhớ mang theo nước uống để tránh mất sức. Và đặc biệt vào mùa nắng nóng hãy nhớ sắm cho mình một lọ kem chống nắng tốt cũng như thuốc chống muỗi nếu đi vào mùa ẩm.
- Ý thức bảo vệ di tích: Ngoài ra, bạn tuyệt đối không vẽ bậy, khắc chữ lên gạch đá, không trèo lên tháp hay các công trình kiến trúc cổ. Vì nó sẽ làm ảnh hưởng, hư tổn đến khu di tích.
- Giữ gìn sự tôn nghiêm: Nhớ hạn chế nói to, gây ồn ào bởi đây không chỉ là một điểm du lịch mà còn là không gian tín ngưỡng cổ xưa. Nơi mà những linh hồn và văn hóa Chăm Pa vẫn đang hiện diện theo cách rất riêng.
Một chuyến đi đến Mỹ Sơn sẽ thực sự trọn vẹn khi bạn bước vào nơi ấy bằng tất cả sự tôn kính, tò mò và thấu hiểu, như một cuộc trở về với chiều sâu của lịch sử và bản sắc dân tộc. Nên khi đến đây hãy giữa phép lịch sự cũng như tôn trọng, bảo tồn những di tích ở nơi đây.
Giữa những ngôi nhà cổ của phố Hội, những chiếc đèn lồng rực rỡ, ít ai ngờ rằng chỉ cách đó vài chục cây số là một thế giới hoàn toàn khác. Di tích Mỹ Sơn gần Hội An, thánh địa linh thiêng của người Chăm Pa xưa. Không cần đi đâu xa, ngay tại Quảng Nam, bạn đã có thể chạm vào một phần của lịch sử Đông Nam Á, để hiểu hơn về tổ tiên, về sự trường tồn của văn hóa và vẻ đẹp vượt thời gian của kiến trúc cổ.